Thị phần miền Trung trên 75%, đầu tư thêm cầu cảng và tổng kho tại Chu Lai, PMG đang toan tính điều gì?

Tuesday, 13/03/2018

Thêm 1 cầu cảng và tổng kho hơn 5,000 tấn vừa được CTCP Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung (HOSE: PMG) đưa vào hoạt động, cộng với kế hoạch M&A, PGM đang dần lộ rõ những bước đi trong thời gian tới, nhất là sau khi lên sàn chứng khoán.

Thêm cầu cảng và tổng kho Chu Lai - Tiết giảm chi phí vận chuyển, đón đầu cơ hội

Thành lập năm 2007, sau 20 năm quy mô tài sản của PMG gần 1,300 tỷ đồng, bao gồm hơn 1.4 triệu vỏ bình gas với 3 thương hiệu Picnic, PMGas, VGas (thâu tóm của Thái Lan).

Hiện, PMG có 4 công ty con và liên kết gồm:

Trong đó, đáng chú ý, Dầu khí V-Gas tiền thân là doanh nghiệp 100% vốn do đối tác Thái Lan đầu tư, hoạt động từ năm 1993 trên diện tích 29,851 m2 tại Biên Hòa, Đồng Nai. Ban lãnh đạo PMG tiết lộ năm 2015, Công ty mua lại Dầu khí V-Gas với số tiền khá lớn vì đơn vị này có hệ thống cầu cảng duy nhất hiện nay có thể đón tàu chở khí gas tại khu vực và hệ thống tổng kho có sức chứa 2,000 tấn, 1 nhà máy sản xuất bình gas có công suất 120,000 bình/năm (Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng các nhà máy chiết nạp gas tại Biên Hòa (Đồng Nai), Đức Trọng (Lâm Đồng) và Vũng Tàu có công suất chiết nạp 12,000 tấn/năm. Đặc biệt, Dầu khí V-Gas sở hữu thương hiệu gas PMGas, vốn khá gần gũi với tên PMG từ lâu.

Còn Gas Miền Trung (chính là đơn vị đầu tư cầu cảng và tổng kho tại Chu Lai) có kho dung tích hơn 500 m3, nhà máy chiết nạp gas công suất 12,000 tấn/năm tại Quảng Nam. Ngoài ra, với tổng kho và cầu cảng tại Chu Lai (Quảng Nam) vừa được khai trương ngày 09/03 có sức chứa hơn 5,000 m3, hệ thống chiết nạp công suất 36,000 tấn/năm, hệ thống cầu cảng riêng có thể đón tàu có trọng tải từ 5,000-20,000 DWT. PMG đã đầu tư khoảng 250 -270 tỷ đồng vào tổng kho lớn nhất tại miền Trung là Chu Lai. Đây là dự án mà Chủ tịch ấp ủ 17 năm và có thời gian triển khai tới 11 năm.

Tổng kho của PMG tại Khu Kinh tế mở Chu Lai có sức chứa trên 5,000 m3.

Theo đó, hiện nay PMG có tổng cộng 3 tổng kho (Điện Bàn 2,000-3,000 tấn và Đồng Nai gần 3,000 tấn), 2 cầu cảng, 9 kho tồn trữ cùng nhà máy chiết nạp gas, 4 nhà máy sản xuất và sơn sửa bình gas cùng mạng lưới tổng đại lý và đại lý phân phối tại khắp các tỉnh miền Trung, miền Nam, Đồng bằng Sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên.

Như vậy, với việc đưa vào hoạt động thêm cầu cảng và tổng kho để nhập khẩu và tích trữ LPG tại Chu Lai, giúp Công ty không phải nhập hàng nhiều lần. Đồng thời, ngay khi sản phẩm được xuất kho, các đại lý lớn cũng đến lấy hàng trực tiếp tại PMG thay vì Công ty phải đưa hàng đi để phân phối. Với cách làm đó, Công ty đã tiết kiệm được chi phí vận chuyển từ khâu nhập đến khâu xuất hàng nên chi phí sản xuất kinh doanh sẽ giảm khá nhiều và nhờ đó có lợi thế cạnh tranh về giá gas hơn các doanh nghiệp cùng ngành. Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Tiến Lãng cho biết Công ty hoàn toàn có thể chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung ra thị trường, kiểm soát và phòng tránh được các rủi ro về biến động giá khí gas thế giới.

Đáng nói, nguồn khí từ dự án mỏ Cá Voi Xanh (có trữ lượng khoảng 150 tỷ m3) được nối vào bờ biển Chu Lai trong thời gian tới cũng là một lợi thế cho doanh nghiệp nào có cầu cảng và tổng kho lớn ở khu vực này.

Ngoài việc tham gia chiết nạp khí gas và cung cấp cho các hộ gia đình tư nhân thì PMG còn cung cấp cho một số doanh nghiệp lớn như Nhà máy Đồng Tâm, Thaco Trường Hải. Nhờ đó, ban lãnh đạo PMG cho biết trong năm 2017, thị phần của PMG gia tăng đáng kể:

  •  Khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng - Quảng Trị và Bình Định chiếm trên 75%.
  • Huế chiếm 90%.
  • Khu vực Tây Nguyên trên 50%.
  •  Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu trên 45%.
  • Các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long – TPHCM và vùng phụ cận 20-30%.
  • Quảng Bình - Quảng Ngãi – Phú Yên – Khánh Hòa… trên 20%.

Hoạt động kinh doanh cũng cải thiện mạnh theo thời gian khi năm 2015 chỉ ở mức hơn 9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thì tới năm 2017 đã lên 49 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2015-2017 của PMG (Đvt: triệu đồng)

Kế hoạch M&A và tăng thị phần khu vực miền Trung lên 85%

Được biết, nhu cầu tiêu thụ LPG trong nước tăng 5%/năm trong giai đoạn từ năm 2011-2017. Tiêu thụ sản phẩm khí nói chung trên đầu người của Việt Nam ở mức tương đối thấp chỉ khoảng 116m3 khí/người, thấp hơn cả Indonesia với 154 m3 khí/người, Malaysia khoảng 1,311 m3 khí/người và Thái lan với 778 m3 khí/người. Nếu so với các quốc gia như Mỹ, Nga, Canada và Anh thì mức độ tiêu thụ khí ở Việt Nam chỉ bằng 6% bình quân tiêu thụ của những quốc gia phát triển này.

Trong khi đó, nguồn sản xuất trong nước không đủ cung cấp gas cho toàn bộ thị trường nên khối lượng nhập khẩu gas của cả nước liên tục tăng qua các năm. Theo dự báo, nhu cầu khí thiên nhiên của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng khoảng 7.03% trong giai đoạn từ năm 2016-2020, trong đó chủ yếu tăng tiêu thụ khí LPG trong dân dụng với tốc độ tăng trưởng 7.6% vào năm 2017.

Với những dư địa đó, PMG cho biết sẽ vẫn tập trung vào việc kinh doanh xuất nhập khẩu, phân phối sản phẩm khí LPG. Nhất là mở rộng mạng lưới tổng đại lý, đại lý, các trung tâm thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, khu resort, hộ gia đình sử dụng khí gas đun, nấu hàng ngày trên khắp cả nước. Đây là phân khúc có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhất trong ngành khí Việt Nam và cũng là định hướng phát triển của ngành.

Trước lo ngại về việc người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang dùng bếp điện, ông Lãng cho biết thị trường chính của PMG ngoài thành phố thì còn có ở nông thôn, khu vực này dư địa tăng trưởng còn rất nhiều. Cụ thể là năm 2016, toàn khu vực nông thôn ở miền Trung sử dụng gas chỉ mới ở mức 38.7%.

Trong ngày 09/02, PMG đã ký hợp đồng ghi nhớ mua khí LPG từ đối tác Thái Lan là Prompt Gas Company Limited để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia nhằm gia tăng nguồn cung, đón đầu cơ hội mới.

Về cơ chế giá khí đầu vào, ông Lãng chia sẻ giá gas đều theo Arap (CB), nhưng khác nhau về premium - thỏa thuận hai bên (điều này rất quan trọng), thêm vào đó dựa vào cơ sở hạ tầng, tổng kho… sẽ đưa ra giá thành cuối cùng. Còn giá đầu ra, hiện Nhà nước chưa tham gia quản lý giá đối với gas mà để doanh nghiệp tự vận hành giá vì thế không bị ảnh hưởng hay kiểm soát giá như xăng dầu. Cơ chế thị trường sẽ điều tiết mức giá phù hợp.

Đặc biệt, Chủ tịch Lãng tiết lộ Công ty sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhất là tìm kiếm và thực hiện M&A các doanh nghiệp có tiềm năng cùng lĩnh vực gas và hạ tầng gas, lập kế hoạch xây dựng chuỗi hệ thống phân phối gas và các sản phẩm tiêu dùng có liên quan đến gas mang thương hiệu PMG. Mục tiêu đưa PMG trở thành một trong những tập đoàn lớn tại Việt Nam trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tồn trữ, phân phối gas và các sản phẩm liên quan đến gas.

Với định hướng đó, PMG đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu hàng năm đến năm 2020 ở mức thận trọng là 20-30%. Riêng năm 2018, doanh thu thuần kế hoạch 1,062 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận sau thuế 58 tỷ đồng, tăng 15%, cổ tức dự kiến từ 10-15%.

Công ty sẽ đẩy mạnh hơn nữa khai thác thị trường miền Trung (tăng thị phần lên khoảng 85%), mở rộng phạm vi hoạt động tại các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long với mục tiêu lần lượt là 60% và 30% thị phần gas tiêu dùng tại các khu vực này, đồng thời hướng tới mở lại thị trường xuất khẩu gas sang Campuchia, là thị trường Công ty đã khai thác giai đoạn từ năm 2008 - 2014.

Vừa lên sàn HOSE ngày 25/01/2018, đến nay cổ phiếu PMG đã có mức tăng khá hơn 32%, hiện đang giao dịch tại mức giá 22,200 đồng/cp. Trong cơ cấu cổ đông, vợ chồng Chủ tịch Nguyễn Tiến Lãng và Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Bích Thùy cũng chính là cổ đông lớn với tổng tỷ lệ sở hữu 50%.

Một số hình ảnh về các tổng kho và trạm chiết nạp của PMG 

 

Theo VietStock

Reviews
:
18001512