Xây dựng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí theo Nghị quyết 55-NQ/TW

Thứ tư, 15/07/2020, 08:41 GMT+7
Việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí cần đảm bảo nguyên tắc có tầm nhìn dài hạn, linh động, thích ứng với thực tế, phù hợp với thông lệ quốc tế. Mặt khác, phải có ý tưởng đổi mới sáng tạo, chiến lược phải đi trước một bước làm cơ sở định hướng tái cấu trúc sắp xếp bộ máy tổ chức.
 

Quan điểm chỉ đạo quan trọng, xuyên suốt của Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò năng lượng là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, năng lượng được ưu tiên phát triển nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, quan điểm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường cũng được coi là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. 

xay dung chien luoc phat trien nganh dau khi theo nghi quyet 55 nqtw
Năng lượng được ưu tiên phát triển nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh

Với các quan điểm chỉ đạo trên, Nghị quyết 55 cho thấy một số định hướng có tính đột phá. Cụ thể như, chủ trương mở cửa thị trường năng lượng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua việc xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Đây cũng là những định hướng cụ thể để xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo xu hướng hội nhập ngành năng lượng quốc tế.

Xu hướng năng lượng mới/sạch bằng việc đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý. Xuất phát từ quan điểm này, mục tiêu cụ thể là tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045 và giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045. 

Liên quan đến lĩnh vực dầu khí, Nghị quyết 55 đưa ra một số mục tiêu cụ thể như các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước; bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng; đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 8 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỉ m3 vào năm 2045.

Nghị quyết 55 đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu, trong đó có một số điểm lưu ý như đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ; nâng cao hệ số thu hồi, tận thu các mỏ nhỏ, cận biên; chủ động và hiệu quả trong hợp tác về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài; phát triển công nghiệp khí, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG); lĩnh vực lọc - hóa dầu thu hút đầu tư theo hướng chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm xăng dầu, chủ động đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Đối với công nghiệp điện, ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước, chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện.

Ngoài ra, Nghị quyết 55 có nhiều điểm mới trong việc hoàn thiện thể chế phát triển năng lượng Việt Nam. Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, sửa đổi các luật chuyên ngành, tách bạch chức năng kinh doanh với chức năng quản lý Nhà nước, áp dụng các mô hình và thông lệ quản trị tiên tiến đối với DNNN trong lĩnh vực năng lượng, lần đầu tiên Nghị quyết đề cập đến những khái niệm còn mới mẻ đối với Việt Nam, như hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng, đánh giá các nguồn lực, tài sản phù hợp với thông lệ quốc tế, bán có thời hạn hoặc cho thuê dài hạn đối với các nhà máy điện, kho nhiên liệu, nhà máy lọc dầu…

Qua việc nhận định, đánh giá hiện trạng công tác xây dựng Chiến lược của Tập đoàn trong thời gian qua và những quan điểm, định hướng quan trọng tại Nghị quyết 55 về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam trong thời gian tới được xác định tập trung vào hai nội dung chính.

Về cách thức xây dựng chiến lược, trước hết phải quán triệt tư tưởng, nhận thức chiến lược không phải là công việc của 5 năm, 10 năm mà phải coi là nhiệm vụ thường xuyên, trong đó quan trọng là phải xây dựng/thiết lập hệ thống tham mưu quản trị công tác chiến lược sâu rộng từ PVN đến các đơn vị thành viên, từ trong ngành ra ngoài ngành, từ trong nước ra quốc tế, từ các nhà sản xuất đến các nhà nghiên cứu, phát minh tạo thành một hệ thống gắn kết trong việc đề ra những ý tưởng mới nhằm tham mưu tốt nhất, định hướng mới đối với PVN. Vai trò chỉ đạo, định hướng của HĐTV cần được nâng cao thể hiện rõ nét, xuyên suốt từ quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và khắc phục điều chỉnh thông qua bộ phận tham mưu, giúp việc trực tiếp HĐTV trong công tác chiến lược.

Thứ hai, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng chiến lược cần đảm bảo nguyên tắc có tầm nhìn dài hạn, linh động thích ứng với thực tế, phù hợp với thông lệ quốc tế. Phải có ý tưởng đổi mới sáng tạo, cập nhật với xu thế phát triển ngành dầu khí thế giới, chiến lược phải đi trước một bước làm cơ sở định hướng tái cấu trúc sắp xếp bộ máy tổ chức... 

Nguyên tắc “tầm nhìn” thể hiện qua việc Chiến lược được tổ chức nghiên cứu xây dựng theo tầm nhìn, định hướng phát triển ngành năng lượng quốc gia Việt Nam (Nghị quyết 55), đồng thời phù hợp với xu hướng và thông lệ phát triển ngành dầu khí thế giới. Nguyên tắc “linh động” thể hiện thông qua thay đổi tư duy việc rà soát chiến lược là công việc thường xuyên cập nhật thay vì định kỳ như trước đây; các mục tiêu chiến lược cần được cập nhật theo dõi, dự báo và điều chỉnh kịp thời để thích ứng với những biến động nhanh, mạnh, khó lường từ thực tế như: biến động thị trường, cạnh tranh địa chính trị, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tiến bộ khoa học công nghệ, xu hướng dịch chuyển năng lượng thế giới…

Ba là, chỉ đạo thiết lập và nâng cao chất lượng hoạt động bộ máy tham mưu công tác chiến lược của Tập đoàn; các giải pháp, nhiệm vụ thực hiện chiến lược, các xu hướng phát triển công nghệ, mô hình quản trị doanh nghiệp và các yếu tố biến động ảnh hưởng đến Chiến lược phát triển của Tập đoàn cần phải được theo dõi, cập nhật như là nhiệm vụ thường xuyên thay vì định kỳ như trước đây.

Bốn là, với chức năng nhiệm vụ của Ban Chiến lược, trong năm 2020, Ban Chiến lược sẽ tích cực đóng góp, tổ chức nghiên cứu và xây dựng hệ thống các quan điểm định hướng chiến lược của PVN để tham mưu cho lãnh đạo PVN báo cáo Trung ương Đảng về việc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW về định hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 định hướng đến năm 2035.

Trong định hướng xây dựng chiến lược, các quan điểm, mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Dầu khí cần phải bám theo Nghị quyết 55. Tuy nhiên, thời điểm xây dựng Nghị quyết 55 trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19. Cho đến thời điểm này, theo dự báo của các chuyên gia, đây là đại dịch lớn nhất, có quy mô, phạm vi tác động sâu rộng nhất kể từ thể kỷ 20 đến nay. Dự báo sơ bộ nền kinh tế thế giới sẽ bước vào giai đoạn đại suy thoái có thể kéo dài và khó có thể phục hồi trong vòng 3-5 năm tới. Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19 nền kinh tế thế giới nói chung và tổng cầu năng lượng thế giới nói riêng sẽ được cơ cấu lại, vì vậy các quan điểm, mục tiêu chiến lược cần đánh giá, điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đức Minh

(petrotimes.vn)

TAG: