(Vietstock) - Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô không ổn định: lạm phát, lãi suất tăng cao, USD tăng đột biến, đồng nội tệ mất giá… hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi những bất ổn này. Tuy nhiên, Công ty gỗ Đức Thành (HOSE: GDT) doanh nghiệp không có dư nợ vay ròng và có hơn 85% tổng nguồn thu ổn định bằng USD từ xuất khẩu... thì những biến cố này, ngược lại giúp GDT tăng cường lợi thế cạnh tranh và nâng cao tỷ suất lợi nhuận.
(Vietstock) - Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô không ổn định: lạm phát, lãi suất tăng cao, USD tăng đột biến, đồng nội tệ mất giá… hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi những bất ổn này. Tuy nhiên, Công ty gỗ Đức Thành (HOSE: GDT) doanh nghiệp không có dư nợ vay ròng và có hơn 85% tổng nguồn thu ổn định bằng USD từ xuất khẩu... thì những biến cố này, ngược lại giúp GDT tăng cường lợi thế cạnh tranh và nâng cao tỷ suất lợi nhuận.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2010 đạt 2.7 tỷ USD, tăng 36.2% so với cùng kỳ năm trước. Ngành sản xuất gỗ xuất khẩu được hưởng lợi từ sự phục hồi của kinh tế thế giới. Với việc đồng nội tệ bị mất giá so với đồng USD thì giá của các sản phẩm xuất khẩu sẽ có khả năng cạnh tranh hơn trên trường thế giới.
Đối với GDT lợi thế cạnh tranh này càng trở nên rõ rệt khi hơn 85% nguyên liệu chính của Công ty là từ nguồn gỗ cao su và gỗ tràm bông vàng trong nước. Không những vậy, chi phí nguyên liệu gỗ của GDT chỉ xấp xỉ 21% trong giá thành sản phẩm, do vậy những biến động về giá gỗ trong nước, tỷ giá và giá nguyên liệu thế giới... ảnh hưởng không đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Lãi suất tăng cao hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay lớn gặp rất nhiều khó khăn trong bài toán lợi nhuận. Tuy nhiên, GDT không chịu sức ép của vấn đề lãi suất này vì công ty hiện nay không có dư nợ vay ròng. Theo báo cáo tài chính Quý 3/2010, tỷ lệ tổng nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) của công ty chỉ có 20%, trong đó nợ vay chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Kết quả kinh doanh của GDT trong năm 2010 rất khả quan. Lợi nhuận sau thuế 10 tháng đầu năm đã đạt 95% lợi nhuận kế hoạch cả năm. Lợi nhuận gộp biên đạt 39%, cao hơn mức 37% năm 2009 và 24% năm 2008. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của công ty cũng duy trì ở mức cao. ROE trong 10 tháng đầu năm 2010 đã đạt 22.5%, trong khi đó năm 2009 đạt 26.6%, còn năm 2008 đạt 15.3%.
Mã cổ phiếu GDT chính thức giao dịch ngày 17/11/2009, với mức giá đóng cửa 36,000 đồng/cổ phiếu. Cùng với sự sụt giảm của thị trường thì giá GDT vào ngày 22/11/2010 chỉ còn 19,000 VND cổ phiếu, tức giảm 44% so với cánh đây 1 năm, mức giảm này cao hơn mức giảm bình quân của thị trường. Trong 2 tháng gần đây GDT cũng gần như đã ngừng giảm và duy trì quanh mức 19,000 đồng/CP, trong khi đó hầu hết các cổ phiếu khác lại giảm mạnh trong giai đoạn này.
Với mức giá hiện nay, một số chỉ số thị trường của GDT trở nên khá hấp dẫn. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu của GDP trong 10 tháng đạt 2,919 đồng, trong khi đó lũy kế đạt 3,314 đồng. Như vậy, chỉ số giá trên thu nhập lũy kế (P/E trailing) hiện tại của công ty chỉ còn 5.7 lần, thấp hơn khá nhiều so với mức bình quân của thị trường (10 lần) và cũng thấp hơn so với những doanh nghiệp cùng ngành. Chỉ số giá thị trường/giá trị sổ sách (P/B) hiện tại của công ty chỉ khoảng 1.34 lần thấp hơn mức bình quân của thị trường (1.6 lần). Đây là một chỉ số khá hấp dẫn với doanh nghiệp có thể duy trì được lợi nhuận khá tốt như GDT.
Như vậy, xét về các yếu tố cơ bản, GDT ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô hiện thời. Công ty cũng liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận khả quan trong những năm gần đây bất chấp những biến động không thuận lợi của nền kinh tế. Các chỉ số thị trường của cổ phiếu cũng đang ở mức hấp dẫn. Đây là cổ phiếu thích hợp để đầu tư trong giai đoạn hiện nay.
Như Ý
Theo Vietstock.vn
TAG: