Những dự đoán về “thời đại hoàng kim” của khí đốt tự nhiên

Tuesday, 14/05/2019

Năm 2011, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán “thời đại hoàng kim” của khí đốt tự nhiên với tư cách là "nhiên liệu cầu nối” giữa than đá và năng lượng tái tạo sẽ đến trong hai thập kỷ tới.

 

Sức nóng từ thị trường khí đốt ở châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: reuters

Mặc dù, tháng 6/2015, IEA phải rút lại dự đoán này do nhu cầu về khí đốt tự nhiên suy giảm ở châu Á trong giai đoạn 2013-2015.

Tuy nhiên, đến nay dự đoán này dường như lại được khẳng định khi cạnh tranh thị trường khí đốt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang nóng lên với nhu cầu gia tăng trở lại, nhất là ở các nước Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo trang mạng Eastasiaforum, tại Hàn Quốc, trong chiến dịch tranh cử năm 2017, Tổng thống Moon Jae-in cam kết sẽ thay thế sản xuất điện than và hạt nhân bằng khí đốt và năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, năm ngoái, Trung Quốc, một trong những quốc gia nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới, đã mở rộng các dự án khí đốt và điện không dùng than đá ở 35 thành phố để cải thiện chất lượng không khí. Những dự án này đặt ra nhu cầu cao về khí đốt tự nhiên.

Lượng tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc hằng năm tăng trưởng hai con số kể từ năm 2000, ngoại trừ giai đoạn 2013-2015.

Nhu cầu gia tăng đã khiến Trung Quốc vượt Hàn Quốc trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn thứ hai thế giới vào năm 2017.

Là quốc gia Đông Á láng giềng của Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản đã trở thành  nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới vào năm 2018.

Theo báo cáo của Liên minh Khí đốt thế giới (IGU), thị trường châu Á-Thái Bình Dương là điểm đến của gần 70% giao dịch LNG toàn cầu trong năm 2018.

Trong số này, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm gần 80% mức tăng thương mại LNG toàn cầu năm 2018.

Tháng 1/2019, Trung Quốc đã công bố kế hoạch tăng gấp bốn lần công suất LNG trong hai thập kỷ tới, với tham vọng tới năm 2035 sẽ đạt công suất nhập khẩu 247 triệu tấn/năm, trong khi tổng thương mại LNG toàn cầu năm 2017 chỉ đạt 289 triệu tấn.

Bên cạnh đó, châu Á-Thái Bình Dương cũng có một số nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới như Australia, Malaysia, Mỹ và Indonesia.

Năm 2018, Australia chiếm 22% nguồn cung LNG toàn cầu (68,6 triệu tấn), chỉ sau thị phần 25% của Qatar (78,7 triệu tấn).

IGU đã suy đoán chính xác rằng Australia sẽ chiếm vị trí hàng đầu vào giữa năm 2019, khi hai dự án khí hóa lỏng dự kiến sẽ đi vào hoạt động thương mại đầy đủ và có thể sẽ giữ vị trí này trong một vài năm.

Trong dài hạn, Mỹ hoặc Qatar sẽ chiếm vị trí hàng đầu trong khi Australia sẽ ở vị trí thứ ba.

Ngoài ra, việc tham gia của Nga vào thị trường khí đốt phía Đông Trung Quốc càng làm tăng thêm sức cạnh tranh.

Theo kế hoạch, đường ống “Sức mạnh Siberia” sẽ bơm 380 tỷ m3 khí đốt tự nhiên (tương đương 28 triệu tấn LNG) vào khu vực này khi nó bắt đầu hoạt động từ tháng 9 này.

Thỏa thuận đường ống này có thể là sự thay đổi địa chính trị năng lượng, đây không phải là tin tốt cho các nhà xuất khẩu LNG khác.

Thị trường khí đốt tự nhiên đang thay đổi để thích ứng với các cơ hội mới ở châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn cầu.

Tuy nhiên, về lâu dài, khí tự nhiên - cùng với các nhiên liệu hóa thạch khác - sẽ hoàn thành vai trò lịch sử của chúng là nhiên liệu năng lượng khi năng lượng tái tạo chiếm lĩnh việc cung cấp năng lượng./.

TAG:

Reviews
:
18001512