|
Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước và Hãng thông tin quốc tế Duns & Bradstreet (D&B) vừa công bố kết quả xếp hạng tín dụng các doanh nghiệp (DN) niêm yết trên TTCK Việt Nam năm 2010, dựa trên báo cáo tài chính năm 2009. Theo đó, có 539 DN được xếp hạng trong tổng số 551 DN trên hai sàn chứng khoán tính đến ngày 30/06/2010 (không xếp hạng ngân hàng và quỹ đầu tư), tăng 178 DN (+57,6%) so với lần xếp hạng trước.
Có 9 bậc xếp hạng, theo thứ tự từ cao xuống thấp là AAA (loại tối ưu), AA (loại ưu), A (tốt), BBB (khá), BB (trung bình khá), B (trung bình), CCC (trung bình yếu), CC (yếu), C (yếu kém).
TS. Nguyễn Hữu Đương, Phó giám đốc CIC cho biết, năm nay, có 165 DN được xếp hạng "tối ưu" (AAA), chiếm 30,6%, trong khi năm trước là 31,3%; 359 DN được xếp hạng "khá, tốt" (từ BB đến AA), chiếm 66,6%, trong khi năm trước là 66,2%; 15 DN được xếp hạng "trung bình" (B và CCC), chiếm 2,8%, trong khi năm trước là 2,5%. Theo ông Đương thì không có DN nào xếp hạng "yếu kém". Hai DN xếp hạng CC là SD8 và VTA, nhưng do điểm số chênh lệch không nhiều và số lượng DN ít, nên ông Đương xếp 2 DN này vào hạng "trung bình" khi công bố kết quả thống kê tổng hợp.
Xét theo sàn giao dịch, trên HoSE có 240 DN được xếp hạng, trong đó hạng "tối ưu" chiếm 34%; hạng "khá, tốt" chiếm 63%, hạng "trung bình" chiếm 3%. Trên HNX, có 229 DN được xếp hạng, trong đó hạng "tối ưu" chiếm 28%; hạng "khá, tốt" chiếm 70%, hạng "trung bình" chiếm 2%. So với năm trước, sàn HoSE có 73 DN tăng hạng, nhưng có 53 DN giảm hạng. Tương tự, sàn HNX có 76 DN tăng hạng, 71 DN giảm hạng.
Xét về quy mô, với các tiêu chí cơ bản như nguồn vốn kinh doanh, doanh thu thuần, số lượng lao động, mức nộp ngân sách nhà nước, thì tính chung cả hai sàn, có 63% DN quy mô lớn, 32% DN quy mô trung bình, 5% DN quy mô nhỏ.
Theo ông Đương, bản chất của xếp hạng tín dụng DN là đánh giá khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính của DN, mức độ rủi ro tín dụng, được xác định thông qua đánh giá bằng thang điểm, tuân thủ theo các nguyên tắc nhất định, phù hợp với thông lệ quốc tế trên cơ sở thông tin tài chính và phi tài chính của DN đó. Tại các nước tiên tiến, xếp hạng tín dụng là một công cụ khách quan giúp thị trường lựa chọn người xứng đáng sử dụng nguồn lực của đất nước, phục vụ cho phát triển kinh tế. Không thể giao các nguồn lực quý giá vào những DN yếu kém, dễ gây lãng phí, thất thoát và làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đất nước.
Về phương diện nguồn lực vốn, thông qua các ngân hàng thương mại, nguồn vốn trong xã hội được tập trung đưa vào lưu thông, đưa đến các DN cần vốn, phối hợp với các nguồn lực khác để tạo ra hàng hóa, dịch vụ cho xã hội. Nếu DN sử dụng vốn yếu kém, kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng thì sẽ gây ách tắc quá trình chu chuyển vốn này.
Vẫn theo ông Đương, TTCK là một kênh thu hút vốn phục vụ cho sản xuất - kinh doanh thông qua công ty đại chúng. Để sử dụng vốn này có hiệu quả, đòi hỏi các công ty niêm yết phải là những DN hoạt động tốt, minh bạch. Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, một số nước châu Âu có quy định rất chặt chẽ về tiêu chuẩn niêm yết, chỉ những DN được xếp hạng tín dụng từ một mức nào đó, thường là BBB trở lên mới được niêm yết và trong quá trình hoạt động thì kết quả xếp hạng là hàn thử biểu để định hướng cho các NĐT. Trong khi đó, theo xếp hạng của CIC thì tại TTCK Việt Nam có trên 60 DN niêm yết xếp hạng tín dụng dưới mức BBB (xem bảng).
Đồng thời với việc công bố xếp hạng tín dụng các DN niêm yết, CIC và D&B bình chọn và trao giải thưởng cho 20 DN niêm yết tiêu biểu trên TTCK Việt Nam năm 2010, gồm 10 DN niêm yết trên HOSE là ABT, BMP, DHG, LIX, LSS, PAC, SBC, VFG, VNM, VSC và 10 DN niêm yết trên HNX là DXP, GHA, HAD, NBP, NHC, NTP, PAN, SCJ, VDL, VTS. Các DN này được bình chọn dựa trên những tiêu chí như: được xếp hạng AAA 3 năm liên tiếp; có chỉ tiêu EPS, ROE, ROA cao… Trong đó, được xếp hạng AAA có nghĩa là DN hoạt động hiệu quả cao, khả năng tự chủ tài chính rất tốt, triển vọng phát triển lâu dài, tiềm lực tài chính mạnh, lịch sử vay nợ tốt, rủi ro thấp nhất.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin cho các NĐT, CIC phối hợp với D&B phát hành ấn phẩm "Xếp hạng tín dụng DN niêm yết trên TTCK Việt Nam năm 2010", trong đó giới thiệu tổng quan các DN, chỉ số xếp hạng tín dụng (3 năm liên tiếp), chỉ tiêu tài chính 2008 - 2009…, cùng nhiều bảng biểu thống kê. Nhìn chung, các thông tin này rất hữu ích cho NĐT. Tuy nhiên, có một số sai sót như trong Bảng số 5 "Top 40 DN có chỉ số EPS cao nhất 6 tháng đầu năm 2010" thì chỉ tiêu EPS của các DN bị sai. Đơn cử, EPS 6 tháng của VCS lên tới 69.240 đồng, trong khi thực tế chỉ hơn 4.000 đồng. Hay kế hoạch cổ tức năm 2010 của các DN không ghi chú trả bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu. Một điểm đáng lưu ý khác là mức xếp hạng của một số DN có vẻ chưa thực sự hợp lý, chẳng hạn FPC lỗ 2 năm liên tiếp (2008 - 2009) nhưng cả 2 năm đều được xếp hạng BBB. Theo CIC công bố thì nội dung của hạng BBB là DN thuộc loại khá, hoạt động tương đối hiệu quả, tình hình tài chính ổn định, có hạn chế nhất định về tiềm lực tài chính, rủi ro trung bình.
62 doanh nghiệp xếp hạng tín dụng dưới mức BBB
Hạng | Ý nghĩa | Doanh nghiệp |
BB | DN hoạt động tốt trong hiện tại, nhưng dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động lớn trong kinh doanh do sức ép cạnh tranh. Tiềm lực tài chính trung bình. Rủi ro tương đối cao. |
- Sàn HoSE: BTP, CAD, CYC, DLG, DQC, FBT, HSI, KSS, PVT, PXI, PXT, TRI, TTF, TYA, VKP, VNE, VST, VTO. - Sàn HNX: BHC, BLF, C92, CJC, CTC, CTN, ILC, L18, LM3, MAC, NPS, NSN, PHC, PTM, QNC, SD4, SDB, SDE, SDP, SDY, SHC, SRA, STL, TJC, TTC, TXM, V11, V21, VCG. |
B | DN hoạt động chưa có hiệu quả. Khả năng tự chủ tài chính thấp. Rủi ro tương đối cao. |
- Sàn HoSE: BAS, DDM, IFS, MCV, MHC, VSG. - Sàn HNX: GGG, HDO, PDC, PHH, SDS, TLT, VSP. |
CCC | DN hoạt động có hiệu quả thấp. Năng lực quản lý kém. Khả năng trả nợ thấp. Tự chủ về tài chính yếu. Rủi ro cao. | |
CC | DN hoạt động kém hiệu quả. Tự chủ tài chính kém. Khả năng trả nợ ngân hàng kém. Rủi ro rất cao. |
SD8, VTA |
(Theo DTCK)
WOW cổ phiếu rất trẻ GDT được xếp hạng AAA
TAG: