Tờ SeaNews của Nga mới đây đã thông tin về thoả thuận hợp tác giữa công ty Novatek (Nga) và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận trong việc cung cấp khí thiên nhiên hoá lỏng - LNG có sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có và phát triển cơ sở hạ tầng mới, kể cả việc xây dựng kho cảng LNG và các nhà máy điện khí mới.
Theo chia sẻ của ông Leonid Mikhelson, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Novatek cho biết: "Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam đòi hỏi an ninh năng lượng bền vững. Việc xây dựng nhà máy LNG của doanh nghiệp tại Ninh Thuận góp phần đảm bảo nguồn cung năng lượng với giá cả cạnh tranh hơn. Dự án sẽ sớm được hoàn thành nhờ sự hỗ trợ của tỉnh Ninh Thuận".
Trước đó, Ninh Thuận cũng được biết đến như là một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các dự án điện khí hoá lỏng (LNG), trong đó có các nhà đầu tư từ Thái Lan.
Cụ thể vào tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Phát triển năng lượng Gulf mong muốn hực hiện dự án kho cảng LNG và dự án tổ hợp điện khí LNG Cà Ná quy mô 6.000 MW gồm 4 nhà máy nhiệt điện tubin khí chu trình hỗn hợp, mỗi nhà máy công suất 1.500 MW, với tổng vốn đầu tư 7,8 tỷ USD.
Trước những dự án đầu tư "khủng" trị giá hàng chục tỷ USD, ông Phạm Văn Hậu, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Ninh Thuận cho biết: "Tỉnh đang chờ phê duyệt quy hoạch Trung tâm điện lực Cà Ná. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, tỉnh sẽ ban hành các tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án".
Còn nhớ, vào tháng 9 năm ngoái, cùng với việc ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý để tỉnh này nghiên cứu phát triển Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng LNG Cà Ná với quy mô phù hợp. Và kể từ đó tới nay, Ninh Thuận đã lên kế hoạch để xúc tiến đầu tư vào dự án này.
Ngay sau khi Chính phủ chấp thuận về chủ trương để Ninh Thuận phát triển Tổ hợp điện khí LNG, rất nhiều "đại gia" nước ngoài đã tới Ninh Thuận để xem xét các khả năng đầu tư dự án như Tập đoàn Điện lực quốc gia Hàn Quốc (KEPCO). Theo đó, KEPCO dự kiến đầu tư một nhà máy điện khí công suất khoảng 3.000 – 4.000 MW, trên diện tích khoảng 40ha.
Ngoài ra, theo thông tin từ Bộ Công thương, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đã hợp tác và đặt kế hoạch xây dựng nhà máy phát điện khí LNG tại Việt Nam, họ đặt quan hệ với PV Gas; bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ đã có ý định đầu tư ở Cà Ná vì xu hướng đầu tư điện bằng LNG đang rất nóng trên thế giới.
Liên quan đến quy hoạch nhiệt điện sử dụng LNG, theo thông tin từ bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), hiện nay, Bộ này đã tính toán để đưa quy hoạch nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thay thế các dự án nhiệt điện chạy than (dự án trong Tổng sơ đồ phát điện VII) trong tương lai gần.
Theo đó, hiện LNG của Việt Nam trong nước đáp ứng 45%, còn 55% phải nhập khẩu, trong khi lượng khí này đã và đang được tận dụng và sử dụng hết, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu ngày càng nhiều loại khí này để phục vụ cho các cụm công nghiệp nặng: khí, điện, đạm...
Chính vì vậy, việc tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài cho thấy sức hấp dẫn của thị trường LNG trước "sức nóng" của thị trường LNG thế giới. Điều này cũng góp phần tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án LNG, giảm bớt gánh nặng về nguồn vốn.
Tuy nhiên, cũng theo bà Ngô Thuý Quỳnh, bên cạnh khó khăn về vốn, thì "cái khó lớn nhất" đó là khó cạnh tranh về giá bán điện giữa điện khí hoá lỏng so với điện than và thủy điện.
Mặc dù vậy, cũng theo vị này, chắc chắn sẽ không có ưu tiên riêng về mức giá, mức giá bán sẽ nằm trong mức giá của Nhà nước và bên điện lực chấp nhận được, nếu cao quá họ cũng không mua và doanh nghiệp cũng không thể bán được.