Những "tân binh" của HoSE năm ngoái giờ ra sao

Thursday, 07/02/2019, 14:37 GMT+7

Năm 2018 đáng chú ý khi HoSE đón khá nhiều tân binh được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm với rất nhiều câu chuyện khác nhau.

 
 

Có rất nhiều doanh nghiệp đã đổ bộ lên cả 3 sàn giao dịch chứng khoán HoSE, HNX và Upcom trong năm 2018 vừa qua. Và trong số đó, có rất nhiều doanh nghiệp nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư, cũng có những doanh nghiệp lên sàn và "án binh bất động" trong suốt cả năm trời.

Hãy điểm danh xem, những doanh nghiệp lên sàn HoSE năm ngoái giờ ra sao.

Hàng không Taseco "xông đất" HoSE khá thuận lợi

Hàng không Taseco (AST) được xem là doanh nghiệp đầu tiên lên sàn trong năm 2018, và "xông đất" ngay sàn HoSE. Taseco lên sàn trong bối cảnh ngành hàng không tăng trưởng mạnh, kéo theo dịch vụ hàng không tăng cao Tuy nhiên đây cũng là lúc ngành dịch vụ hàng không bước vào thời kỳ cạnh tranh khốc liệt nhất. Hoạt động kinh doanh của Taseco là chuỗi bán lẻ, quảng cáo, suất ăn hàng không, dịch vụ đón, tiễn sân bay và quản lý khách sạn.

Taseco đưa 36 triệu cổ phiếu AST lên niêm yết trên HoSE từ ngày 4/1/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 45.000 đồng/cổ phiếu. Không phụ sự kỳ vọng, AST đã tăng trần 5 phiên liên tiếp ngay sau khi lên sàn, và đà tăng còn tiếp diễn đến giữa tháng 3/2018 với đỉnh thiết lập ở mức giá xấp xỉ 82.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 85% chỉ sau 3 tháng lên sàn.

Đà tăng sốc, đà giảm cũng sâu, AST giảm lại đến vùng giá 57.200 đồng/cổ phiếu sau đó phục hồi lại và hiện giao dịch quanh vùng giá 65.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cổ phiếu AST trên thị trường khá cao, hàng trăm ngàn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.

Taseco cũng đang lên kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành 6 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư cam kết đồng hành lâu dài với công ty với giá chào bán không thấp hơn 70.000 đồng/cổ phiếu.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2018, và đặc biệt trong quý 3 công ty đã mở thêm 6 điểm kinh doanh tại sân bay Quốc tế Cam Ranh, do vậy doanh thu năm 2018 đạt 865 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2017 nhưng cũng mới chỉ thực hiện được hơn 95% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 160,9 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước đó và vừa vặn hoàn thành kế hoạch năm.

Những tân binh của HoSE năm ngoái giờ ra sao - Ảnh 1.
 

Ngành hàng không "được mùa lên sàn HoSE trong năm 2018

Sự khởi đầu khá thuận lợi của Hàng không Taseco cũng làm cho nhiều doanh nghiệp hàng không thúc đẩy quá trình chuyển sàn. Năm 2018 ngoài Taseco, HoSE còn đón thêm 2 tân binh trong ngành chuyển sàn sang niêm yết là SGN của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), SCS của CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC).

SAGS chuyển sàn trong bối cảnh tình hình cạnh tranh tại cảng hàng không đang ngày càng gia tăng, các đối thủ được định hình như VASGS chuyên cung cấp dịch vụ mặt đất tại Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Hà Nội. Đồng thời việc VASGS kết hợp cùng CIAS thành lập Công ty TNHH Dịch vụ hàng không AGS tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã tạo nên đối thủ trực tiếp với công ty tại Cam Ranh.

Saigon Ground Services (SAGS) công bố doanh thu năm 2018 đạt gần 1.277 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2017 và vượt 5% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 292,7 tỷ đồng, tăng 27% với cùng kỳ và vượt 30% chỉ tiêu lợi nhuận được giao. Tuy nhiên giá cổ phiếu SGN không bứt phá được và hiện giao dịch ở mức 135.000 đồng/cổ phiếu.

Những tân binh của HoSE năm ngoái giờ ra sao - Ảnh 2.
 

Saigon Cargo Service (SCS) cũng nối bước chuyển sàn

Còn Saigon Cargo Service (SCS) đã công bố tính chung cả năm 2018 doanh thu đạt 676 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế đạt 467 tỷ đồng, vừa vặn hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 416 tỷ đồng, tăng 20,7% so với lợi nhuận đạt được năm 2017. Tuy nhiên giá cổ phiếu SCS lại đà giảm và hiện giao dịch quanh mức 144.000 đồng/cổ phiếu.

Nhìn lại, Saigon Carrgo Service đưa toàn bộ gần 46,2 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ 12/7/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 52.000 đồng/cổ phiếu. Sau một năm lên sàn SCS đã tăng vốn điều lệ lên thành gần 500 tỷ đồng. Giá cổ phiếu cũng tăng gần gấp 3 lần, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên Upcom ở mức 168.500 đồng/cổ phiếu.

Sau đó không lâu, ngày 3/8/2018 SCS giao dịch phiên đầu tiên trên HoSE ở mức giá 174.105 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau 4 tháng chuyển sàn, SCS đã mất đi 17% giá trị, hiện giao dịch quanh mức 144.000 đồng/cổ phiếu.

Những tân binh của HoSE năm ngoái giờ ra sao - Ảnh 3.
 

HDBank trở thành Ngân hàng đầu tiên gia nhập HoSE trong năm 2018

Ngay sau sự mở hàng đầy thuận lợi của Taseco Airs, 1 ngày sau đó, ngày 5/1, sàn HoSE lại đón thêm 1 tân binh là Ngân hàng TMCP Phát triển Tp Hồ Chí Minh (HBBank) với gần 981 triệu cổ phiếu niêm yết. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 33.000 đồng/cổ phiếu. Một điểm đáng chú ý là HDBank lên sàn, bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán có sự xáo động không hề nhẹ khi tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng thêm đáng kể khi bà sở hữu gần 36 triệu cổ phiếu HDB thời điểm đó.

Ngay khi lên sàn HDB đã tăng trần phiên đầu tiên và giữ vững đà tăng giá trong 6 phiên liên tiếp sau đó. Cổ phiếu HDB có lúc đã xác lập đỉnh ở vùng giá 50.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn gấp rưỡi so với ngày chào sàn. Tuy nhiên đã tăng không giữ được lâu, HDB bắt đầu giảm mạnh và hiện đang giao dịch ở vùng giá 30.500 đồng/cổ phiếu.

Về tình hình kinh doanh, HDBank báo cáo lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 4.005 tỷ đồng, tăng 65,7% so với cùng kỳ năm trước đó.

Những tân binh của HoSE năm ngoái giờ ra sao - Ảnh 4.
 

Thêm 1 ngân hàng nữa gia nhập HoSE

Sự mở đầu của HDBank có vẻ thuận lợi khi trong năm HoSE lại đón thêm 1 ngân hàng khác - TPBank. Cũng không bứt phá, thậm chí giá cổ phiếu liên tục giảm sau khi lên sàn, cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong lại vẫn được các nhà đầu tư quan tâm khi mỗi phiên vẫn có hàng trăm ngàn cổ phiếu khớp lệnh, thanh khoản thị trường khá tốt.

Trong khi đó kết quả kinh doanh của TPBank lại tăng trưởng mạnh. Lợi nhuận trước thuế cả năm 2018 đạt 2.258 tỷ đồng, gần gấp đôi lợi nhuận đạt được năm 2017 và đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Và danh sách ngân hàng gia nhập HoSE năm 2018 vẫn chưa hết

Cũng một ngân hàng khác lên sàn trong năm 2018 là Techcombank (TCB) với giá chào sàn 128.000 đồng/cổ phiếu. Sau nửa năm, Techcombank đã tăng vốn điều lệ từ 11.655 tỷ đồng lên 17.100 tỷ đồng như hiện nay, tuy vậy giá cổ phiếu thì lại duy trì đà giảm (so với giá đã điều chỉnh). Mặc dù vậy Techcombank cũng đã báo cáo kết quả kinh doanh thuận lợi năm 2018 với số lãi gần 10.700 tỷ đồng, vươn lên xếp sau Vietcombank trong toàn hệ thống ngân hàng Việt.

Gelex tăng trần 3 phiên liên tiếp khi chuyển sàn

"Chuyển nhà" từ Upcom sang HoSE, cổ phiếu GEX của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) có 3 phiên tăng trần liên tiếp ngay sau khi niêm yết trên HoSE. Thời kỳ đỉnh cao của GEX rơi vào giai đoạn cuối tháng 3 đầu tháng 4 với mức giá có khi lên xấp xỉ 32.200 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh). Gelex cũng đã kịp tăng vốn điều lệ lên gấp rưỡi so với thời điểm chuyển sàn, lên hơn 4.065 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh của Gelex cũng thay đổi đáng kể. Trong 1 năm qua Gelex đã tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ, đưa mảng thiết bị điện thành mảnh kinh doanh truyền thống và chủ lực của công ty. Gelex đã từng bược tiến hành tập trung các công ty con trong cùng lĩnh vực về cùng một mối với các ngành logistic, electric và năng lượng. 

Năm 2018 công ty đạt gần 13.700 tỷ đồng doanh thu và đạt hơn 1.533 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.283 tỷ đồng, tăng 41,6% so với năm trước đó và góp tên vào danh sách câu lạc bộ lãi nghìn tỷ.

Giá cổ phiếu FRT của FPT Retail chạm đáy sau khi niêm yết

Có rất nhiều cổ phiếu gia nhập sàn HoSE trong năm 2018 đã khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó, phải kể đến FRT của CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail). 40 triệu cổ phiếu chào sàn ở mức giá 125.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 4, FRT đã có ngay 2 phiên tăng trần liên tiếp khi lên sàn.

Đáng chú ý, sau hơn nửa năm lên sàn, FPT Retail đã tăng vốn lên 680 tỷ đồng, nhưng giá không như kỳ vọng, FRT lại rơi vào nhịp điều chỉnh giảm là chính và hiện về giao dịch quanh mức 66.100 đồng/cổ phiếu – mức đáy của cổ phiếu này (giá đã điều chỉnh).

Kết quả kinh doanh, năm 2018 FPT Retail đạt gần 16.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỷ đồng, có tăng so với mức 290 tỷ đồng đạt được năm trước đó nhưng vẫn chưa hoàn thành kế hoạch được giao (377 tỷ đồng).

Những tân binh của HoSE năm ngoái giờ ra sao - Ảnh 5.
 

Hẳn nhà đầu tư còn nhớ Vinhomes cũng lên sàn trong năm 2018

Một trong những cổ phiếu luôn được các nhà đầu tư để ý nữa là VHM của Vinhomes – một đứa con trong tập đoàn Vingroup. Xét về giá, sau hơn nửa năm lên sàn VHM không tăng nhiều, thậm chí còn giảm đáng kể so với mức giá đã điều chỉnh.

Tuy nhiên kết quả kinh doanh của Vinhomes lại là điều đáng để nói. Doanh thu năm 2018 đạt 38.806 tỷ đồng, tăng 153% so với năm trước đó và vượt 66,7% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 14.754 tỷ đồng, giúp Vinhomes đứng đầu về bảng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Gây ấn tượng nhất năm 2018 có lẽ là Yeah1 (YEG)

Nhưng hẳn là doanh nghiệp để lại nhiều ấn tượng nhất trong năm phải là Yeah1 (YEG). Bất ngờ công bố giá chào sàn 250.000 đồng/cổ phiếu, Yeah1 còn khiến nhà đầu tư quan tâm hơn nhiều khi ngay phiên giao dịch thứ 2 sau khi lên sàn, khối ngoại đã chi hơn 2.300 tỷ đồng mua thỏa thuận 7,72 triệu cổ phiếu ở mức giá 300.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy vậy, ngoài các giao dịch thỏa thuận, thì trên thị trường không nhiều cổ phiếu YEG khớp lệnh do nhà đầu tư chưa thể an tâm với "cách" của Yeah1, đặc biệt, một thời gian dài sau đó, cái tên Yeah1 và Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống liên tục được nhắc đến kèm những "điều lạ". Thậm chí có cả những "điều lạ" là cổ phiếu YEG bất ngờ giảm sàn 4 phiên liên tiếp chỉ sau mấy phiên lên sàn. Hiện YEG đang giao dịch quanh mức 239.000 đồng/cổ phiếu.

Những tân binh của HoSE năm ngoái giờ ra sao - Ảnh 6.
 

Địa ốc Sài Gòn (SGR) chuyển sàn từ UpCOM sang HoSE

Đang giao dịch trên sàn Upcom, CTCP Địa ốc Sài Gòn (SGR) quyết định chuyển sang niêm yết trên HoSE. Giá cổ phiếu SGR đã tăng khá mạnh trước thông tin tích cực này. Đà tăng vẫn tiếp diễn khi SGR tăng trần 2 phiên liên tiếp ngay khi đặt chân lên sàn HoSE và đạt đỉnh ở mức xấp xỉ 31.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh).

Tuy nhiên đó là tất cả những gì mà SGR đạt được, bởi ngay sau đó cổ phiếu SGR đã lao dốc không phanh và liên tục dò đáy. Có lúc cổ phiếu này đã giảm đến vùng giá 18.000 đồng/cổ phiếu. Hiện SGR đã tăng nhẹ lên vùng giá 20.000 đồng/cổ phiếu.

Đà giảm giá cổ phiếu có thể một phần do tác động của kết quả kinh doanh. Mới đây Địa ốc Sài Gòn đã thông qua sơ bộ kết quả kinh doanh 2018 với doanh thu đạt 859 tỷ đồng, hoàn thành 85% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 163 tỷ đồng, thực hiện được 67% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Hiện Địa ốc Sài Gòn cũng đã thông qua kế hoạch SXKD năm 2019 với các chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận đúng bằng chỉ tiêu đặt ra cho năm 2018 là doanh thu 1.008 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 244,91 tỷ đồng.

Những tân binh của HoSE năm ngoái giờ ra sao - Ảnh 7.
 

VNPD giảm mạnh dù kết quả kinh doanh khả quan

Khác với "các bạn" chuyển sàn như SGR và GEX, cổ phiếu VPD của CTCP Phát triển điện lực Việt Nam lại chịu nhịp giảm ngay sau khi chuyển từ Upcom sang niêm yết trên HoSE dù đã có đà tăng mạnh ở giai đoạn cuối khi còn giao dịch trên Upcom.

Kết quả kinh doanh của VNPD ngược lại rất khả quan. Doanh thu năm 2018 đạt trên 613 tỷ đồng, vượt 7,8% kế hoạch năm còn lợi nhuận sau thuế đạt 170,7 tỷ đồng, vượt 39% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Cơ cấu cổ đông cũng có chút thay đổi khi Tuấn Lộc gia tăng tỷ lệ sở hữu lên thành 17,17%, trở thành cổ đông lớn thứ 2 của VNPD sau Tổng công ty Phát điện 1.

Những tân binh của HoSE năm ngoái giờ ra sao - Ảnh 8.
 

Ông trùm ngành Gas Miền Trung lên niêm yết trên HoSE

Petro Miền Trung (PMG) – ông trùm ngành Gas Miền Trung - lên niêm yết trên HoSE từ 25/1/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 14.000 đồng/cổ phiếu. Ngay khi lên sàn PMG đã có 5 phiên tăng trần trong 6 phiên giao dịch đầu tiên trên HoSE. Tuy nhiên PMG đạt đỉnh thì phải tính đến giai đoạn đầu tháng 4 với mức giá lên đến xấp xỉ 24.500 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh). Tuy nhiên sau đó PMG đã điều chỉnh giảm, thậm chí còn giảm sâu về vùng giá 17.000 đồng/cổ phiếu rồi mới phục hồi và hiện giao dịch quanh mức 19.700 đồng/cổ phiếu.

PMG được biết đến là công ty hoạt động chính trong lĩnh vực nhập khẩu, tồn trữ và chiết nạp khí hóa lỏng LPG; sản xuất vỏ bình gas cho thị trường miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên. Sản phẩm chủ yếu của Công ty là gas phục vụ dân cư. Hiện, PMG đang khai thác sử dụng 3 tổng kho tồn trữ bao gồm tổng kho và cầu cảng xuất nhập khẩu LPG tại Biên Hòa (Đồng Nai), tại Núi Thành (Quảng Nam) và tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam). Mới đây công ty tiếp tục khánh thành tổng kho tại cầu cảng Chu Lai và cầu cảng Đồng Nai.

Về kết quả kinh doanh, Petro Miền Trung công bố doanh thu năm 2018 đạt 1.211 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 88 tỷ đồng và vượt trên 51% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

Đạt Phương (DPG), Văn Phú Invest (VPI) giao dịch ra sao khi "lên" HoSE?

DPG của Đạt Phương thì tăng mạnh khi đang giao dịch trên Upcom trước khi "chuyển nhà" sang HoSE, có lúc lên đến 68.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau khi chuyển sàn, DPG lại giảm sâu. Cùng với đó, kết quả kinh doanh không khả quan khi lợi nhuận thuộc về công ty mẹ năm 2018 giảm 12%, về mức 139 tỷ đồng và mới chỉ thực hiện được gần 66% kế hoạch được giao. Giá cổ phiếu cũng giảm sâu về vùng 45.000 đồng/cổ phiếu.

Cũng như Đạt Phương, Văn Phú Invest (VPI) chuyển nhà từ HNX sang HoSE, cổ phiếu VPI cũng không có nhiều bứt phá, duy trì giao dịch dưới ngưỡng 44.000 đồng/cổ phiếu và hiện giảm về mức 40.200 đồng/cổ phiếu.

Những tân binh của HoSE năm ngoái giờ ra sao - Ảnh 9.
 

Tecgroup cũng đã chuyển sàn

Cũng trong danh sách các tân binh năm 2018 của HoSE, thì Tecgroup là doanh nghiệp chuyển niêm yết từ HNX sang HoSE đầu tháng 3/2018. Tuy nhiên cổ phiếu TEG vẫn không bứt phá lên được, vẫn duy trì giao dịch dưới ngưỡng mệnh giá.

Danh sách tân binh của HoSE năm 2018 còn nối dài

Các tân binh của HoSE trong năm 2018 còn có HSL của Nông sản Hồng Hà Sơn La còn có TGG của công ty Trường Giang, TVB của Chứng khoán Trí Việt, HPX của Hải Phát, SMB của Bia Sài Gòn Miền Trung, CRE của CenLand, CRC của CTCP Create Capital Việt Nam, YBM của Công nghiệp Yên Bái, ART của Chứng khoán Artex, LMH của Landmark Holding, TDM của Nước Thủ Dầu Một, HTN của Hưng Thịnh Incons, May Sông Hồng (MSH), TTE của Năng lượng Trường Thịnh, HVH của công ty công nghệ HVC. Điểm chung của các doanh nghiệp này khi lên sàn HoSE là giá cổ phiếu có xu hướng giảm theo xu hướng chung của thị trường.

Năm 2018 đã khép lại, năm 2019 đã mở ra với nhiều cơ hội và thách thức mới trên thị trường chứng khoán. Hãy chờ xem các doanh nghiệp sẽ làm gì trong năm nay?.

Phương Mai

Theo Trí Thức Trẻ

TAG: