Cuộc đua điện khí chỉ mới bắt đầu nhưng lại vô cùng nóng bỏng, bởi ngày càng có nhiều “tay đua” cự phách - các tập đoàn sừng sỏ nước ngoài tham chiến.
Bộ Công thương đang tính toán để đưa quy hoạch nhiệt điện sử dụng LNG thay thế các dự án nhiệt điện chạy than trong Tổng sơ đồ điện VII. Trong ảnh: Toàn cảnh Trung tâm Điện lực Phú Mỹ |
“Tay đua mới” Marubeni
Ít ngày trước, đại diện Tập đoàn Marubeni đã tới Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức đề xuất kế hoạch xây dựng tại tỉnh này một nhà máy điện khí LNG, sau 2 năm nghiên cứu. Dự án dự kiến được xây dựng trên diện tích 200 ha, với tổng công suất 4.800 MW.
Marubeni cũng đã lên “lịch trình” rất chi tiết cho dự án này: vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD, quý II/2025 đưa vào vận hành thương mại, hợp đồng mua bán điện sẽ được thực hiện trong khoảng 25 năm sau đó.
“Nhu cầu điện ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở phía Nam. Nguồn than và khí nội địa của Việt Nam đang giảm dần trong khi nguồn thủy điện đã được khai thác hết, Việt Nam đã bắt đầu phải nhập than cho phát điện từ năm 2015. Dự án Điện khí LNG Long Sơn gần với TP.HCM, trung tâm phụ tải điện lớn nhất Việt Nam, do đó rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu điện cấp bách, đặc biệt là sau năm 2020”, Marubeni lý giải về kế hoạch của mình.
Trên thực tế, tham vọng đầu tư vào các dự án điện khí ở Việt Nam đã nhiều lần được lãnh đạo Marubeni chia sẻ với Chính phủ Việt Nam. Mới đây nhất, trung tuần tháng 4/2019, ông Masumi Kakinori, Tổng giám đốc Tập đoàn, đã nhấn mạnh với Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng rằng, Marubeni xem Việt Nam là thị trường quan trọng của mình ở châu Á và mong muốn tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: xuất nhập khẩu, phát triển nguồn điện, chuỗi các dự án khí hóa lỏng…
Cũng chính Marubeni, vào tháng 9 năm ngoái, đã công bố kế hoạch cắt giảm một nửa công suất điện than và ngừng đầu tư vào các nhà máy điện mới chạy bằng nhiên liệu này, nhằm thực hiện cam kết về giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ việc sản xuất điện. Do vậy, đầu tư vào Điện khí Long Sơn có vẻ rất phù hợp với kế hoạch và chiến lược phát triển của tập đoàn đa ngành hàng đầu Nhật Bản này.
Chỉ có điều, theo thông tin của ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khu đất mà Marubeni muốn phát triển dự án lại đang vướng quy hoạch Khu công nghiệp Lọc dầu Long Sơn. Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phải chờ xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để có sự điều chỉnh và thu hút dự án cho phù hợp.
Cuộc đua “nóng bỏng”
Ngày càng có nhiều “tay đua” cự phách - các tập đoàn sừng sỏ nước ngoài muốn nhảy vào cuộc đua điện khí LNG ở Việt Nam. Cách đây chưa lâu, Tập đoàn Tập đoàn Gulf (Thái Lan) đã tới Ninh Thuận để đề xuất đầu tư Kho cảng LNG và Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná, với quy mô 6.000 MW, gồm 4 nhà máy tua-bin khí chu trình hỗn hợp. Dự án có vốn đầu tư lên tới 7,8 tỷ USD, dự kiến được đầu tư theo hình thức BOT, hoặc các hình thức khác.
Trước đó, liên danh các nhà đầu tư Total (Pháp), Siemens (Đức), Novatek (Nga) và Công ty TNHH Đầu tư và Công nghệ Việt Nam (A&A) đã đề xuất kế hoạch xây dựng Dự án Điện khí Cà Ná với tổng công suất 4.500 MW, tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD tại Ninh Thuận. Thậm chí, không chỉ là “bày tỏ ý định”, Total và Ninh Thuận đã ký kết những thỏa thuận đầu tiên về việc đầu tư xây dựng dự án điện khí LNG tại tỉnh này.
Tập đoàn Điện lực quốc gia Hàn Quốc (KEPCO) cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Họ đã đề xuất kế hoạch đầu tư một nhà máy điện khí công suất 3.000 - 4.000 MW, trên diện tích khoảng 40 ha tại Ninh Thuận, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý để tỉnh này nghiên cứu phát triển Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng LNG Cà Ná với quy mô phù hợp.
Không chỉ ở Ninh Thuận, mà ở Quảng Ngãi, Sembcorp cũng lên kế hoạch xây dựng một nhà máy điện khí từ rất lâu, quy mô hơn 2 tỷ USD. Ở khu vực này, thậm chí Chính phủ đã quy hoạch xây dựng tới 5 nhà máy điện khí, để sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh, một khi mỏ này đi vào khai thác.
Còn ở Bạc Liêu, một dự án điện khí quy mô 3.200 MW, với tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD đã được Tập đoàn Energy Capital (Mỹ) theo đuổi. Biên bản ghi nhớ về việc đầu tư dự án này đã được ký kết và cả địa phương lẫn nhà đầu tư đang chờ đợi dự án được bổ sung vào Tổng sơ đồ điện VII.
Hiện Bộ Công thương đã và đang tính toán để đưa quy hoạch nhiệt điện sử dụng LNG thay thế các dự án nhiệt điện chạy than trong Tổng sơ đồ điện VII. Tuy nhiên, cái khó là nguồn nguyên liệu LNG như thế nào và liệu giá mua - bán điện khí có đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư hay không?
Ngoài kế hoạch khai thác mỏ Cá Voi Xanh của Tập đoàn Exxon Mobil, các kế hoạch đầu tư các cảng và kho chứa LNG ở Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), gần Cà Ná (Ninh Thuận) và Bạc Liêu đã được các cơ quan chức năng tính tới. Khi việc nhập khẩu khí không quá khó khăn, thì việc xây dựng các nhà máy điện khí ở các khu vực này là phù hợp.
Như vậy, vấn đề còn lại chỉ là giá bán điện, bởi giá điện khí được cho là khó cạnh tranh với giá điện than, thủy điện.
Marubeni đã đầu tư nhiều nhà máy điện ở Việt Nam
Tập đoàn Marubeni đã bắt đầu đặt chân đến Việt Nam từ năm 1991 và đầu tư, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Marubeni hiện là nhà xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng của Việt Nam như thuỷ sản, cà phê và cũng là nhà phân phối lớn các mặt hàng như ngũ cốc, các sản phẩm hóa dầu…
Marubeni đã đầu tư rất nhiều nhà máy điện ở Việt Nam, với quy mô trên 4.000 MW. Tập đoàn cùng với KEPCO đang đầu tư Nhiệt điện Nghi Sơn 2 và đang được đề xuất cùng với Vietracimex đầu tư Nhiệt điện Ô Môn 2. Đầu năm nay, Marubeni đã khởi công xây dựng Nhà máy Giấy bao bì Kraft of Asia (KOA), vốn đầu tư 115 triệu USD, ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nguyên Đức
Theo baodautu.vn
TAG: