Được thành lập vào tháng 5/2007, CTCP Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung (HOSE: PMG) hoạt động chính trong lĩnh vực nhập khẩu, tồn trữ và chiết nạp khí hóa lỏng LPG; sản xuất vỏ bình gas cho thị trường miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên. Sản phẩm chủ yếu của Công ty là gas phục vụ dân cư (bình gas 12kg và 45kg).
Hiện, PMG đang khai thác sử dụng 3 tổng kho tồn trữ bao gồm tổng kho và cầu cảng xuất nhập khẩu LPG tại Biên Hòa (Đồng Nai) rộng 29.850m2 với sức chứa hơn 2.400 tấn; tổng kho tại Núi Thành (Quảng Nam) có diện tích 48.980m2 với sức chứa gần 5.000 tấn và tổng kho tại Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam) có diện tích 11.556m2 với sức chứa gần 1.000 tấn... Ngoài ra, Công ty còn có các dây chuyền sản xuất vỏ bình gas do chi nhánh của Dầu khí Vgas phụ trách, các kho tồn trữ và nhà máy chiết nạp gas đặt tại các tỉnh thành…
Mới đây, Công ty tiếp tục khánh thành tổng kho tại cầu cảng Chu Lai, cùng với cầu cảng tại Đồng Nai dự kiến nâng sức chứa tổng kho PMG có thể đón tầu tải trọng lên đến 20.000 tấn. Được biết, vốn đầu tư tổng kho mới từ 250-270 tỷ đồng, sức chứa 5.000 tấn bao gồm 2 bồn. Khi đi vào hoạt động, tổng kho cầu cảng Chu Lai dự kiến nâng tổng thị phần Công ty tại các tỉnh miền Trung (Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định) lên 85%, đồng thời doanh thu kỳ vọng đến năm 2020 sẽ chạm mốc 2.000 tỷ đồng.
Với định hướng đẩy mạnh thị phần PM Gas, Picnic Gas, Vgas rộng cả nước, PMG đã và đang lần lượt rót vốn vào một số đơn vị cùng ngành, kể tên có Công ty Gas Miền Trung – Quảng Nam (chiếm 94% vốn tương đương 47 tỷ đồng), Công ty Trung Nam – Tp.HCM (chiếm 95% vốn tương đương hơn 14 tỷ đồng), Dầu khí Vgas – Đồng Nai (chiếm 57,78% vốn tương đương 130 tỷ đồng) và Thương mại Vgas – Đồng Nai (chiếm 14,42% vốn tương đương 99,5 tỷ đồng).
Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của PMG đạt 1.283,5 tỷ, riêng tài sản dài hạn chiếm gần 82% với 1.047 tỷ đồng. Cùng với đó, nợ phải trả Công ty đang ghi nhận hơn 776 tỷ, vốn chủ sở hữu đạt 507 tỷ trong đó vốn góp chủ sở hữu là 330 tỷ đồng.
Về cơ cấu vốn cổ đông Công ty hiện tại khá cô đặc với tỷ lệ nắm giữ của vợ chồng Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Tiến Lãng và bà Nguyễn Thị Bích Thùy - Tổng Giám đốc lên đến 50% vốn, lần lượt sở hữu 35% và 15%. Chưa kể, theo chia sẻ một lãnh đạo Công ty thì với tính chất là công ty gia đình, con số sở hữu của cổ đông nội bộ thực tế đâu đó gần 60% vốn, tính cả những người liên quan.
Kết thúc năm 2017, PMG đạt 926 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 51 tỷ đồng, lần lượt tăng 97,5% và 129% so với thực hiện 2016. Theo đó, biên lãi ròng Công ty ghi nhận khoảng 5,5%, so với một số đối thủ như: CNG Việt Nam (8,2%), Dầu khí Thái Dương - TDG (9,6%)… thì con số trên tương đối khiêm tốn.
Chia sẻ về vấn đề trên, Chủ tịch Lãng cho rằng xây dựng biên lợi nhuận bao nhiêu không quan trọng, bởi thương hiệu thì PMG đã có rồi. Chưa dừng lại, là một đơn vị kinh doanh gas dân dụng, ông chủ tư nhân gas miền Trung còn định hướng phát triển thành một đơn vị bán lẻ lớn, với phương châm: "Mô hình bán lẻ tức không quan tâm bán gì, quan trọng là thương hiệu - ai bán? Như BigC, Metro… không hề bán sản phẩm của chính họ, mà người tiêu dùng vẫn đến đây để mua hàng"!
Chủ tịch nhấn mạnh không có thời gian quan tâm đến giá cổ phiếu
Chính thức chào sàn vào ngày 25/01/2018 với giá tham chiếu 14.000 đồng/cp, ngay phiên đầu giao dịch cổ phiếu PMG kịch trần với thanh khoản xấp xỉ 20.000 đơn vị. Hiện cổ phiếu "ông trùm" gas miền Trung này đang giao dịch tại mức 22.200 đồng/cp (chốt phiên 09/03), tương đương mức tăng hơn 32% chỉ sau hơn 1 tháng.
Mặc dù giá cổ phiếu tăng tương đối, song Chủ tịch Lãng thẳng thắn trả lời giới đầu tư rằng ông không có thời gian quan tâm đến giá cổ phiếu, mà chỉ tập trung toàn bộ tâm sức cho công việc, xây dựng và phát triển các giá trị cốt lõi của PMG với mong mỏi đến ngày được bơi ra biển lớn.
Là một công ty tư nhân trong ngành kinh doanh khí gas, PMG trên thực tế luôn "thiệt thòi" so với những đơn vị cùng ngành khác thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) khi không được khai thác khí CNG. Được biết, CNG là một loại khí nén, được sử dụng sau này với biên lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, hiện chỉ có PVN được phép khai thác dùng cho lĩnh vực gas công nghiệp, đây cũng là lý giải tại sao biên lợi nhuận Công ty thấp hơn so với các đơn vị trực thuộc PVN như PGD, CNG…
Theo đó, PMG đã tiến hàng đẩy mạnh M&A nhằm xây dựng một quy trình sản xuất khép kín, từ việc nhập khẩu khí LPG (khí hóa lỏng) tại các cầu cảng, lưu trữ trong kho chứa, sản xuất vỏ bình gas cho đến chiết nạp gas vào bình, sau đó phân phối tại các khu thương mại và hộ gia đình. Tính đến nay, thành quả M&A Công ty có thể kể đến là mua lại thương hiệu Vgas của Thái Lan vào năm 2015, mua cầu cảng Đồng Nai với giá thực tế khoảng 350 tỷ đồng (giá sổ sách là hơn 200 tỷ)…
Và mới đây nhất là việc mở thêm tổng kho tại cầu cảng Chu Lai, trong bài phát biểu khánh thành Chủ tịch Lãng có nhấn mạnh đã đến lúc PMG thực hiện mong ước "bơi ra biển lớn". Chiến lược thời gian đến, PMG sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa khai thác thị trường miền Trung, đặt mục tiêu chiếm thị phần chị phối thị trường bán lẻ gas dân dụng tại các tỉnh miền nam, vùng phụ cận Tp.HCM, Đồng bằng Sông Cửu long và khu vực Tây nguyên, xuất khẩu gas sang thị trường Lào, Campuchia.
Với những định hướng trên, PMG đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu đến năm 2020 là 20-30%/năm. Riêng năm 2018, doanh thu thuần mục tiêu đạt 1,062 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế 58 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2017, cổ tức dự kiến từ 10-15%.
Chi gần 300 tỷ xây dựng tổng kho cảng Chu Lai, PMG đang toan tính điều gì?
Được biết, nhu cầu tiêu thụ LPG trong nước tiếp tục tăng nhanh (5%/năm từ năm 2011-2017) trong khi nguồn sản xuất trong nước không đủ cung cấp, đi cùng với dư địa tiêu thụ sản phẩm khí trên đầu người tại Việt Nam còn nhiều (khoảng 116m3 khí/người) có thể là những động lực khiến PMG tăng cường mở rộng quy mô khai thác, kinh doanh.
Mặt khác, việc khai thác khí từ mỏ Cá Voi Xanh dự kiến thực hiện từ năm 2020-2022 đã được phê duyệt đưa về tỉnh Quảng Nam, đây cũng là thời gian tổng kho tại cầu cảng Chu Lai hoàn thiện. Như vậy, nhiều khả năng PMG sẽ là đơn vị nhập dòng khí từ mỏ này trong tương lai?
Một vấn đề đáng quan tâm khác liên quan cơ chế giá khí đầu vào, theo "tiết lộ" của Chủ tịch thì giá gas bao gồm 2 khoản mục chính:
• Arap (CB) có một chuẩn mực chung mà tất cả các doanh nghiệp, quốc gia đều giống nhau.
• Khoản premium, tức mức thỏa thuận giữ hai bên. Với những lợi thế về cầu cảng, tổng kho cũng như mối quan hệ hợp tác lâu dài, đây là yếu tố cạnh tranh cho đến hiện tại của PMG.
Còn giá bán ra, hiện Nhà nước chưa tham gia quản lý giá mà để doanh nghiệp tự vận hành giá theo cơ chế thị trường, vì thế không bị ảnh hưởng hay kiểm soát giá như xăng dầu. Đồng thời, việc nhập khẩu gas hiện Nhà nước cũng chưa áp quota, miễn doanh nghiệp phải có giấy phép.
Hay thị trường tiêu thụ gas tại khu vực nông thôn còn khá dồi dào với chỉ 39% nhu cầu tại miền Trung được đáp ứng tính đến cuối năm 2016, tựu trung lại PMG đang mang trong mình nhiều "catalyst" tăng trưởng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, trước thị trường khí biến động mạnh; cũng như sự phát triển mạnh mẽ của những đối thủ cùng ngành… là những khó khăn không phải dễ dàng vượt qua cho "ông trùm" gas miền Trung này.
TAG: ga, ga da nang, ga mien trung, ga quang nam, gas, gas da nang, gas dan dung, gas mien trung, gas quang nam, khi gas, petro mien trung, picnic gas, pm gas