Nhu cầu khí tự nhiên hóa lỏng toàn cầu ước tính đạt 700 triệu tấn vào năm 2040. Châu Á dự kiến sẽ tăng 75% nhu cầu khí hóa lỏng khi sản lượng khí đốt trong nước giảm và LNG thay thế các nguồn năng lượng, giải quyết vấn đề lo ngại chất lượng không khí và đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải khí.
Nhu cầu LNG của châu Á tăng mạnh.
Việc Trung Quốc tuyên bố mục tiêu trở thành nước trung hòa carbon vào năm 2060 dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu LNG trong lĩnh vực công nghiệp nặng, vận tải biển và đường bộ.
2 quốc gia Châu Á khác nhập khẩu LNG lớn là Nhật Bản và Hàn Quốc năm 2020 đã công bố mục tiêu không phát thải ròng. Để đạt được mục tiêu không phát thải ròng, Hàn Quốc đặt mục tiêu chuyển 24 nhà máy nhiệt điện than sang khí LNG sạch hơn vào năm 2034.
Ấn Độ, Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu LNG trong năm 2020. Báo cáo cho biết 2 nước này đã dẫn đầu sự phục hồi nhu cầu LNG sau khi đại dịch bùng phát.
Trung Quốc đã tăng nhập khẩu LNG thêm 7 triệu tấn lên 67 triệu tấn, tăng 11% trong năm 2020. Ấn Độ đã tăng nhập khẩu 11% vào năm 2020 do nước này tận dụng giá thấp LNG để bổ sung cho sản xuất khí đốt trong nước.
Trên toàn cầu, nhu cầu ở Châu Âu, cùng với nguồn cung của Mỹ đã giúp cân bằng thị trường LNG trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên tình trạng thiếu nguồn cung ở các khu vực khác và thời tiết khắc nghiệt vào cuối năm đã dẫn đến giá cao hơn.
Thu Nga
(theo vinanet.vn)