Các ông lớn dầu khí đặt cược vào khí thiên nhiên

Thứ hai, 15/10/2018

Trước các dự báo khí thiên nhiên (gas) sẽ trở thành nhiên liệu chính của tương lai, các tập đoàn dầu khí trên toàn cầu đang đang ráo riết đầu tư cho các dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) khổng lồ, theo tờ The Wall Street Journal.

Phối cảnh dự án LNG Canada có tổng vốn đầu tư 31 tỉ đô la ở tỉnh British Columbia (Canada). Ảnh: Bloomberg

Chạy đua đầu tư

Tuần trước, tập đoàn dầu khí Shell (Hà Lan) và các đối tác thông báo thỏa thuận đầu tư vào dự án LNG trị giá 31 tỉ đô la có tên gọi LNG Canada ở tỉnh British Columbia (Canada), trong đó, Shell nắm 40% cổ phần. Trong khi đó, tập đoàn dầu khí Exxon Mobil (Mỹ) và các đối tác dự kiến sẽ phê duyệt dự án LNG trị giá nhiều tỉ đô la ở Mozambique vào năm 2019. Tập đoàn khí thiên nhiên Novatek (Nga) và các đối tác bao gồm tập đoàn dầu khí Total (Pháp) cũng đang kên kế hoạch ký kết thỏa thuận đầu tư dự án khí thiên nhiên hóa lỏng Arctic LNG-2 trị giá 20 tỉ đô la ở bán đảo Gydan ở Tây Siberia (Nga).

Các ông lớn dầu khí nhận thấy rằng để bảo đảm tăng trưởng trong tương lai, họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc dồn nỗ lực đầu tư vào khí thiên nhiên. Trong một thập kỷ qua, các công ty dầu khí phát hiện rất ít các mỏ dầu lớn, trong khi đó, nhiều trữ lượng khí khổng lồ được tìm thấy.

Nhiều chính phủ bao gồm Trung Quốc và các nước ở châu Âu muốn giảm ô nhiễm môi trường bằng cách thúc đẩy tiêu thụ các nhiên liệu sạch hơn trong hoạt động vận tải và sản xuất điện. Một nhà máy điện khí  thải lượng CO2 chỉ bằng phân nửa so với một nhà máy điện than.

Nhu cầu khí thiên nhiên đang gia tăng trên toàn cầu cung cấp một lý do thuyết phục để các ông lớn dầu khí đẩy mạnh đầu tư cho các dự án khí thiên nhiên. Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie dự báo tiêu thị dầu trên toàn cầu chỉ tăng trưởng trung bình 0,5% mỗi năm trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2040, thấp hơn nhiều so với những thập kỷ trước đây. Thậm chí, có một số dự báo cho rằng nhu cầu dầu có thể ngừng tăng trưởng hoàn toàn trong vòng một thập kỷ nữa. Trong khi đó, tiêu thụ khí thiên nhiên sẽ chiếm 24% trong cơ cấu năng lượng toàn cầu vào năm 2040 so với mức 22% trong năm 2016, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Vào năm 2025, tập đoàn Shell và tập đoàn BP (Anh) sẽ sản xuất khí thiên nhiên nhiều hơn dầu. Trong sáu năm tới, cơ cấu sản xuất của Total sẽ là 50% khí đốt, 50% dầu thô. “Đó là một động thái cân bằng. Dù dầu thô có khả năng sinh lời cao hơn nhưng nhu cầu dầu đang chững lại nên bạn cần phải bắt đầu thực hiện sự chuyển tiếp đầu tư”, Brian Youngberg, nhà phân tích năng lượng ở Công ty dịch vụ tài chính Edward Jones, nói.

Mặt khác, các tập đoàn dầu khí trên toàn cầu đang cân nhắc tham gia các nỗ lực giảm tình trạng nóng lên toàn cầu và điều này có thể khiến khí thiên nhiên có hàm lượng carbon thấp ngày càng cạnh tranh hơn. Các tập đoàn dầu khí toàn cầu xem sự chuyển hướng chiến lược vào khí thiên nhiên như là sự đặt cược thông minh vào một thị trường ngày càng phát triển. “Tin tốt là thị trường khí thiên nhiên sẽ tiếp tục tăng trưởng. Điều này giải thích tại sao chúng tôi đang quyết liệt mở rộng đầu tư vào các dự án khí thiên nhiên. Ngược lại, thị trường dầu thô sẽ bão hòa, thậm chí suy giảm”, Patrick Pouyanné, Giám đốc điều hành Total, nói với các nhà đầu tư vào tháng trước.

Lợi suất thấp hơn nhưng ổn định

Các dự án khí thiên nhiên thường mang lại lợi suất hơn các dự án dầu mỏ nên các tập đoàn dầu khí thường ưu tiên phát triển các mỏ dầu.Theo công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, tỷ suất sinh lợi nội tại (IRR) trung bình của các dự án LNG đang chuẩn bị triển khai trên toàn cầu khoảng 13%, thấp hơn mức IRR 20% của các dự án dầu khí nước sâu và  mức IRR 50% của các dự án dầu đá phiến.

Eirik Wærness, nhà kinh tế trưởng của Công ty dầu khí Equinor (Na Uy), nói: “Vấn đề khó khăn đối với các công ty dầu khí là rất khó kiếm lợi nhuận cao với khí thiên nhiên”. Các dự án khí thiên nhiên lớn tạo ra tỷ suất lợi nhuận thấp hơn nhưng mức độ bảo đảm lợi nhuận chắc chắn hơn đồng thời cung cấp dòng tiền ổn định hơn trong dài hạn so với các dự án phát triển mỏ dầu.

Richard Hulf, nhà quản lý của Quỹ Đầu tư năng lượng toàn cầu thuộc Công ty quản lý quỹ Artemis Fund Managers, cho rằng các dự án khí thiên nhiên cung cấp dòng tiền rất ổn định và đều đặn, điều mà các tập đoàn dầu khí chưa bao giờ thực sự đạt được do quá phụ thuộc vào các chu kỳ lên đỉnh, xuống đáy của dầu thô.

Song sự chuyển hướng sang các dự án khí thiên nhiên cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận của ngành công nghiệp dầu khí sẽ thấp hơn trong tương lai. Espen Erlingsen, đối tác ở Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, nhận định: “Bạn sẽ chứng kiến tỷ suất lợi nhuận thấp hơn ở một số dự án khí thiên nhiên nhưng tôi cho rằng đó là điều mà các công ty dầu khí phải chấp nhận”.

Chánh Tài            

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

TAG:

Ý kiến bạn đọc
Tổng Đài
Tổng Đài:
18001512