Giá dầu tăng, doanh nghiệp ngành khí thắng lớn

Thứ sáu, 26/10/2018
Giá dầu tăng, doanh nghiệp ngành khí thắng lớn

Ảnh Shutterstock

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí khâu thượng nguồn là thăm dò và khai thác thường có độ trễ so với diễn biến tăng của giá dầu, nhưng với các doanh nghiệp hạ nguồn, trong đó có nhóm doanh nghiệp ngành khí, thì tác động giá dầu gần như phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh. 

Kết thúc phiên 19/10, giá dầu thô Brent đạt gần 80 USD/thùng, tăng khoảng 20%; giá dầu ngọt nhẹ WTI đạt 68 USD/thùng, tăng 25% so với đầu năm.

Giá gas thế giới bình quân từ đầu tháng 10 đến nay là 655 USD/tấn, tăng 37,5 USD/tấn so với tháng 9/2018, giá khí hóa lỏng (LPG) trong nước tăng tương ứng và đã tăng liên tục trong 4 tháng qua.

Ông Lê Quốc Hưng, Giám đốc đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Petro miền Trung (PMG) cho biết, trong quý III/2018, Công ty ước đạt hơn 455 tỷ đồng doanh thu, 24,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong đó lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt khoảng 21 - 22 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, PMG ước đạt doanh thu hơn 989 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,4 tỷ đồng. Với kết quả này, PMG đã hoàn thành khoảng 90% kế hoạch doanh thu và vượt 24,8% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

PMG có vốn điều lệ 379 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khí gas, tập trung tại các tỉnh miền Trung. Công ty đang kinh doanh sản phẩm với 3 thương hiệu là V-Gas, PM Gas và Picnic gas.

Cổ phiếu PMG niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM từ đầu năm 2018, với giá tham chiếu 14.000 đồng/cổ phiếu, sau hơn 8 tháng niêm yết, giá tăng gần 50%, đạt 20.850 đồng/cổ phiếu vào ngày 19/10. Trong định hướng sau khi lên sàn, PMG đặt mục tiêu tăng trưởng kép 25 - 35%/năm.

Về năng lực sản xuất, PMG sở hữu 2 cầu cảng với hệ thống tổng kho có sức chứa 9.000 tấn, công suất chiết nạp mỗi nhà máy 120.000 tấn/năm.

Điều này giúp Công ty chủ động nguồn cung khí trong bối cảnh nguồn cung khí trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, 70% còn lại phải nhập từ nước ngoài. Ngoài ra, PMG sở hữu nhà máy sản xuất vỏ bình với công suất 120.000 bình/năm, nhà máy sản xuất sơn và bảo trì công suất 200.000 bình/năm.

9 tháng đầu năm 2018, PMG đã hoàn thành vượt gần 25% kế hoạch lợi nhuận cả năm; GAS ước hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch; CNG dự báo lợi nhuận năm nay sẽ vượt kế hoạch...     

Chuỗi cung ứng khép kín này giúp Công ty tiết giảm chi phí sản xuất và tối đa hóa lợi nhuận.

Theo ông Nguyễn Tiến Lãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PMG, giá khí tác động cùng chiều giá dầu, khi giá khí xuống, giá đầu vào giảm, giá đầu ra giảm theo, nhưng nhu cầu không giảm, bởi người dân luôn phải sử dụng gas.

Ngược lại, khi giá dầu tăng, nhu cầu thị trường tăng thì doanh nghiệp nào chủ động được nguồn cung đáp ứng nhu cầu tăng đó sẽ hưởng lợi lớn.

Hiện nay, với mức tiêu thụ 18 kg LPG/người/năm, tiêu thụ khí gas bình quân đầu người của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, Malaysia. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo, tốc độ tăng nhu cầu tiêu thụ LPG của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 trung bình khoảng 6%/năm.

Đến năm 2020, nhu cầu LPG của Việt Nam ước đạt 1,832 triệu tấn, mức tiêu thụ bình quân đạt 30 kg/người/năm, ngang bằng mức bình quân hiện nay trong khu vực ASEAN.

Dẫn đầu ngành gas trong nước hiện nay là Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS), cung cấp LPG cho hầu hết doanh nghiệp LPG trong nước, trong đó có Tổng công ty Gas Petrolimex, Saigon Petro và các đơn vị thành viên, PV Gas North, PV GAS South, đồng thời có quan hệ kinh doanh LPG với hầu hết các nhà kinh doanh LPG lớn nhất trên thị trường quốc tế.

Theo đó, mỗi năm, GAS cung cấp khí làm nguồn nguyên nhiên liệu để sản xuất khoảng 30% sản lượng điện quốc gia và đáp ứng 70% nhu cầu đạm trên toàn quốc, chiếm khoảng 65% thị phần LPG trong nước.

Chưa có số liệu chính thức, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2018, GAS ước hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch và tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ công ty mẹ, hoạt động tại các đơn vị thành viên trong ngành khí của GAS cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Một trong các đơn vị thành viên của GAS sở hữu hệ thống phân phối lẻ lớn tại miền Nam là Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam (PGS).

Trong 9 tháng đầu năm, PGS đạt 4.796 tỷ đồng doanh thu, bằng 81% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hơn 100 tỷ đồng, bằng 74% kế hoạch năm. Công ty đặt mục tiêu quý IV đạt doanh thu 1.659 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 35 tỷ đồng; lũy kế cả năm ước đạt lần lượt 6.455 tỷ đồng và 136 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG), GAS sở hữu 56% vốn, quý III/2018 đạt doanh thu 507,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 37,9 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 52,2% và 36,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, CNG thu về trên 1.320 tỷ doanh thu, tăng 37%; lợi nhuận sau thuế hơn 83 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, Công ty đã thực hiện 95% kế hoạch doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

CNG Vietnam chuyên sản xuất, vận chuyển, phân phối khí nén thiên nhiên (CNG), cung cấp cho các nhà máy có sử dụng nhiệt năng trong quá trình sản xuất, chế biến; phục vụ cho các khu chung cư và được sử dụng như nhiên liệu thay thế xăng dầu trong ngành giao thông vận tải.

Theo CNG, với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm và ước tính của Ban điều hành về kết quả kinh doanh 3 tháng cuối năm, dự báo CNG sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra năm nay khoảng 7%.

Ngọc Phạm         
tinnhanhchungkhoan.vn

TAG:

Ý kiến bạn đọc
Tổng Đài
Tổng Đài:
18001512