Kiên quyết xóa bỏ tình trạng sang chiết gas trái phép

Thứ tư, 25/04/2018

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Hội nghị sơ kết 06 tháng thực hiện Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 04 tháng 10 năm 2017 của Bộ Công Thương về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng vừa diễn ra chiều ngày 24/4/2018.

Bước đầu tạo sự chuyển biến

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 04 tháng 10 năm 2017 của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tích cực triển khai các kế hoạch kiểm tra, xử lý bước đầu thu được những kết quả nhất định, tạo được chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng. Tuy nhiên, tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tai, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường vẫn diễn ra, có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ cao và đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng. Các doanh nghiệp phân phối, chiết nạp chưa có quy định rõ ràng trong việc trao đổi trả chai LPG hoặc hợp đồng trao đổi chai LPG không được một số doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc nên xảy ra tình trạng chiếm dụng chai LPG của nhau dẫn đến khó kiểm soát hoạt động kinh doanh LPG. 

Theo đánh giá sơ bộ của Cục Quản lý thị trường, trong 06 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-BCT công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nhiều vụ việc vi phạm về sang chiết trái phép đã được xử lý. Tình trạng sang chiết trái phép, chiếm dụng chai LPG không còn diễn ra tại nhiều địa phương. Qua kiểm tra cho thấy các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh LPG, quy chế đại lý, giá LPG. Các cửa hàng gas của hộ kinh doanh và của hệ thống tổng đại lý, đại lý thì đại đa số đều chấp hành tốt về điều kiện hoạt động kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ theo quy định.

Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/2017/CT-BCT ngày 04 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 2.359 vụ, xử lý 643 vụ, thu giữ 1.781 chai LPG và LPG chai, 15.546 chai LPG mini, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 10 cửa hàng, thu giữ 02 xe bồn và 01 xe ô tô tải, 08 xe máy là phương tiện vân chuyển chai LPG và chuyển cơ quan công an xử lý hình sự 01 vụ (01 vụ Chi cục QLTT Bắc Ninh thu giữ 24.518 vỏ chai LPG đang xử lý).

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Lộc An

Hiện nay, việc cung cấp LPG cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương cơ bản đáp ứng yêu cầu, không xảy ra thiếu hụt nguồn cung và giá cả không có biến động lớn. Tuy nhiên, nhiều năm nay lĩnh vực kinh doanh LPG diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp đầu mối tranh giành thị trường bằng nhiều thủ đoạn khác nhau rất khó kiểm soát, quản lý theo quy định hiện hành dẫn đến có những thời điểm thị trường không ổn định, tạo dư luận không tốt, cơ quan quản lý nhà nước bị động trong quản lý.

Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, trong thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh luôn sát sao chỉ đạo các Phòng Nghiệp vụ, đội địa bàn thực hiện công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng trên cơ sở rà soát sổ bộ thống kê, nắm tình hình địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia chiết nạp, phân phối, kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sang chiết, nạp LPG trái phép, các hành vi chiếm dụng, hoán cải chai LPG trái phép.

Công tác kiểm tra, kiểm soát được kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục góp phần chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình, vẫn còn một số tồn tại: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh LPG cạnh tranh không lành mạnh; Một số cơ sở kinh doanh LPG sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng không đảm bảo duy trì các điều kiện theo quy định, các thủ tục hành chính, con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị; Các đối tượng san chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng; Nhiều cửa hàng thường không đảm bảo các yêu cầu tối thiểu về quy định thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như hình thức bốc xếp, bảo quản chai gas LPG; Công tác tuyên truyền thực hiện tốt nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn cố tình sử dụng các bình gas mini trên thị trường dù vẫn biết loại bình này chỉ được dùng một lần...

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để ngăn ngừa vi phạm

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, các ý kiến của các Hiệp hội, các Chi cục Quản lý thị trường là những kinh nghiệm thực tiễn, rất có tác dụng khi sửa đổi các văn bản pháp luật. các bất cập. Thời gian qua tình trạng sang chiết, nạp LPG trái phép diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, có chiều hướng mất an toàn. Qua 6 tháng triển khai Chỉ thị 13, Thứ trưởng nhận định các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Công Thương, các Chi cục có nhiều cố gắng trong công tác rà soát, xây dựng thể chế, công tác phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm đối với hành động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng đã đạt nhiều kết quả tich cực, số vụ thực hiện kiểm tra lên đến 2359 vụ, xử lý 643 vụ... Bên cạnh dó, lực lượng quản lý thị trường cũng tích cực triển khai công tác truyền thông, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, tổ chức cho các thương nhân ký cam kết không kinh doanh LPG giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sang chiết LPG trái phép; đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn...

Thứ trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Tại Hội nghị sơ kết, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã biểu dương và ghi nhận những cố gắng của lực lượng quản lý thị trường cả nước và hy vọng lực lượng sẽ tiếp tục cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn cho biết, công cuộc này vẫn còn rất nhiều khó khăn, tồn tại trong quá trình xử lý. Để kiểm soát tốt tình hình hiện nay, Thứ trưởng giao nhiệm vụ cho lực lượng quản lý thị trường toàn quốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương, của cấp ủy và chính quyền địa phương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nói chung, đặc biệt tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 13 của Bộ Công Thương; 

Hai là, chủ động hơn trong công tác theo dõi diễn biến thị trường LPG, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát và đặc biệt là công tác tham mưu, đề xuất xử lý các vấn đề nổi cộm, phức tạp trong kinh doanh LPG trên thị trường; Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để ngăn ngừa vi phạm;

Ba là, tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, với Bộ, ngành liên quan, xem xét cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện Nghị định về kinh doanh khí thay thế Nghị định số 19, trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67...

Bốn là, tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, với các lực lượng chức năng như công an, thanh tra chuyên ngành và các lực lượng khác nhằm xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; kiên quyết xóa bỏ tình trạng sang chiết gas trái phép, gây mất an toàn, phòng chống cháy nổ, đe dọa đến tính mạng của người sử dụng;

Năm là, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 14 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về xây dựng lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực...

Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tổ chức cho các cơ sở kinh doanh ký cam kết, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát sau khi đã ký cam kết...

Theo Hồng Hạnh

http://www.moit.gov.vn - Bộ Công thương Việt Nam

Ý kiến bạn đọc
Tổng Đài
Tổng Đài:
18001512